Tổng số có hơn 200 báo cáo viên là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tim mạch trong nước và quốc tế trình bày các báo cáo tại hơn 50 phiên khoa học được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị khoa học Tim mạch can thiệp toàn quốc lần thứ 10 đang diễn ra tại Đà Nẵng.
Đại diện Hội Tim mạch học Việt Nam tặng hoa chúc mừng hội nghị tại phiên khai mạc. |
Trong 2 ngày 11 và 12/10, tại thành phố Đà Nẵng, diễn ra Hội nghị khoa học Tim mạch can thiệp toàn quốc lần thứ 10 với chủ đề “Can thiệp tim mạch trong kỷ nguyên mới: Kết nối-Chia sẻ-Thành công”.
GS, TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam chia sẻ, tim mạch can thiệp là một lĩnh vực ngày càng phát triển, ngày càng chứng minh được vai trò quan trọng và tiên phong trong chẩn đoán và nhất là điều trị những bệnh lý tim mạch phức tạp. Nhờ những tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, các kỹ thuật can thiệp tim mạch ngày càng được phổ biến, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh.
Chính vì vậy, Hội nghị là diễn đàn để cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, những thành tựu đã đạt được; đồng thời cập nhật những kiến thức mới nhất về các kỹ thuật can thiệp tiên tiến. Đây thực sự là cơ hội quý báu để những người thầy thuốc học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng điều trị bệnh tim mạch tại Việt Nam.
Chủ đề nổi bật tại hội nghị năm nay là những tiến bộ trong can thiệp động mạch vành phức tạp như can thiệp thân chung, can thiệp vôi hóa, can thiệp có sử dụng các chẩn đoán hình ảnh trong lòng mạch… giúp cho các bác sĩ có thể tiếp cận được các tổn thương phức tạp mà trước đây chỉ có thể tiếp cận theo con đường phẫu thuật tim mở hoặc chỉ trông chờ điều trị nội khoa giảm nhẹ.
Theo báo cáo của Ban tổ chức, tại Hội nghị khoa học năm nay có hơn 200 báo cáo viên là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tim mạch trong nước và quốc tế, với hơn 50 phiên khoa học được tổ chức tổ chức với các hình thức phong phú và đặc thù trong chuyên ngành tim mạch can thiệp. Bên cạnh những phiên hội thảo khoa học trình bày tổng quan về các chủ đề cập nhật, một loạt các các phiên đặc trưng của chuyên ngành như: các phiên truyền hình trực tiếp về những ca can thiệp tim mạch phức tạp từ một số trung tâm tim mạch trên cả nước; những phiên thảo luận đa chiều dựa trên tình huống lâm sàng cụ thể; những phiên hướng dẫn thực hành kỹ thuật mới… được chú trọng để hướng tới thực hành lâm sàng.
Chủ đề nổi bật tại hội nghị năm nay là những tiến bộ trong can thiệp động mạch vành phức tạp như can thiệp thân chung, can thiệp vôi hóa, can thiệp có sử dụng các chẩn đoán hình ảnh trong lòng mạch… giúp cho các bác sĩ có thể tiếp cận được các tổn thương phức tạp mà trước đây chỉ có thể tiếp cận theo con đường phẫu thuật tim mở hoặc chỉ trông chờ điều trị nội khoa giảm nhẹ. Xu hướng tiếp cận đa mô thức, đa ngành, với bệnh nhân là trung tâm được nhấn mạnh trong nhiều lĩnh vực can thiệp bệnh lý tim mạch mang lại lợi ích cao nhất cho người bệnh.
Các đại biểu tham gia hội nghị. |
Năm nay, những vấn đề về can thiệp các bệnh tim cấu trúc được đề cập đến rất nhiều và đây cũng là xu hướng tương lai. Các kỹ thuật như can thiệp van tim, thay van, sửa van tim qua đường ống thông là những ví dụ điển hình.
Kể từ năm 1977, khi bác sĩ Gruntzig (Thụy Sĩ) thực hiện ca can thiệp động mạch vành đầu tiên, đã mở ra một kỷ nguyên mới trong điều trị bệnh lý tim mạch đó là tim mạch can thiệp. Trải qua gần 50 năm, tim mạch can thiệp đã trở thành một chuyên ngành quan trọng hàng đầu trong điều trị bệnh lý tim mạch và có nhiều tiến bộ không ngừng.
Với triết lý tiếp cận xâm lấn tối thiểu, thường qua đường chọc vào mạch máu để đưa các thiết bị, dụng cụ đến tim hoặc mạch máu để can thiệp sửa chữa những bệnh lý tim mạch là tinh thần cốt lõi của chuyên ngành này. Tim mạch can thiệp không chỉ can thiệp các bệnh lý động mạch vành góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân mà còn mở rộng sang nhiều bệnh lý tim mạch khác như các bệnh mạch máu lớn, rối loạn nhịp, đặc biệt là can thiệp các bệnh tim cấu trúc (bao gồm các bệnh lý van tim, tim bẩm sinh, cơ tim…).
Những năm gần đây, lĩnh vực tim mạch tại Việt Nam nói chung và chuyên ngành tim mạch can thiệp nói riêng đã đạt được những bước tiến vượt bậc, hội nhập sâu rộng với thế giới và áp dụng thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến, có thể sánh ngang với các quốc gia phát triển trong khu vực và trên toàn cầu. Tất cả các bệnh lý tim mạch đều có thể được chẩn đoán và điều trị ngay trong nước một cách nhanh chóng, hiệu quả. Điều này đã mang lại cho bệnh nhân cơ hội tiếp cận với những thành tựu khoa học hiện đại ngay tại Việt Nam mà không cần phải ra nước ngoài.
Kể từ ca can thiệp động mạch vành đầu tiên thực hiện tại Viện Tim mạch Việt Nam (năm 1995), đến nay cả nước đã có hơn 140 đơn vị can thiệp tim mạch với đội ngũ bác sĩ làm can thiệp tới gần 500 người. Hầu hết các tỉnh, thành phố đã có tim mạch can thiệp và người bệnh đã được hưởng lợi ngay tại địa phương nhất là bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp đã được can thiệp kịp thời, tại chỗ. Các bác sĩ tiếp cận, áp dụng và phát triển được nhanh chóng các kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực này của thế giới vào Việt Nam.
Một ca can thiệp tim mạch tại Viện Tim mạch quốc gia. |
Trong 2 năm qua, số lượng ca bệnh cần can thiệp tim mạch tại Việt Nam đã tăng gần 20% so với các năm trước, nhất là các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp và bệnh mạch vành. Hiện nay, ước tính có hơn 1,3 triệu người Việt Nam sống chung với bệnh mạch vành, và mỗi năm có khoảng gần 100 nghìn người bệnh được thực hiện các thủ thuật tim mạch can thiệp, trong đó có 40 đến 50 nghìn ca can thiệp đặt stent mạch vành. Bên cạnh đó, số bệnh nhân được can thiệp các bệnh lý tim mạch khác cũng gia tăng nhanh chóng như can thiệp nhịp, can thiệp các bệnh tim cấu trúc, can thiệp mạch máu lớn và mạch máu ngoại biên…
Đáng chú ý, đã có 6 trung tâm ở Việt Nam được chứng nhận quốc tế là trung tâm độc lập can thiệp thay van động mạch chủ qua đường ống thông, trong đó có 2 trung tâm trở thành là trung tâm đào tạo kỹ thuật này. Điều này cũng minh chứng cho sự hội nhập và phát triển mạnh mẽ của chuyên ngành tim mạch can thiệp nước nhà.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn những thách thức và khoảng cách nhất định giữa các tuyến trung ương và địa phương cũng như khoảng cách với các nền y tế tiên tiến trong bối cảnh khoa học đang tiến bộ như vũ bão. Để không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tim mạch, đòi hỏi các thầy thuốc cần liên tục học hỏi và trau dồi từ những kinh nghiệm quý báu của các nước phát triển, cập nhật và áp dụng những tiến bộ y khoa mới nhất, chia sẻ kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp trong nước, với đồng nghiệp quốc tế. Và những hội khoa học là một trong những cơ hội rất tốt để làm điều đó.
Nguồn: nhandan.vn