Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2019 toàn thế giới có 463 triệu người bị bệnh đái tháo đường. Đây là bệnh lý tiến triển mạn tính dẫn đến rối loạn và suy yếu chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể.
Trong các biến chứng ở người bệnh đái tháo đường, biến chứng thận được xem là nguy hiểm và tốn kém chi phí điều trị nhất.
Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thận giai đoạn cuối cần phải chạy thận nhân tạo định kỳ hoặc ghép thận. Bên cạnh đó, biến chứng tim mạch cũng là nguyên nhân tàn phế và tử vong hàng đầu ở người bệnh đái tháo đường.
Tại sao người bệnh đái tháo đường dễ bị suy tim, suy thận?
Vì vậy để phát hiện, bác sĩ phải dựa vào xét nghiệm máu và nước tiểu định kỳ. Việc xuất hiện đạm trong nước tiểu, dù nhiều hay ít cũng là dấu hiệu của tổn thương thận. Khi độ lọc của thận suy giảm, thận không thể đào thải hết chất chuyển hóa dư thừa ra khỏi cơ thể, dần dần tiến triển đến suy thận giai đoạn cuối.
Chia sẻ về biến chứng tim mạch ở người bệnh đái tháo đường, BS. Nguyễn Xuân Vinh, Khoa Tim mạch can thiệp cho biết, cơ chế gây biến chứng tim mạch ở người bệnh đái tháo đường khá phức tạp. Đây là hậu quả của các tổn thương mạch máu do đái tháo đường gây ra. Lượng đường huyết tăng cao kéo theo hàng loạt các rối loạn khác như rối loạn mỡ máu, rối loạn nội mô khiến mạch máu bị tổn thương. Điều này tạo cơ hội cho các mảng xơ vữa hình thành, làm giảm lượng máu nuôi dưỡng tim, tạo ra các cục máu đông gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Tùy theo vị trí của mạch máu bị tổn thương mà các biểu hiện lâm sàng sẽ khác nhau. Chẳng hạn tổn thương động mạch vành sẽ dẫn đến cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột tử… Tổn thương mạch máu não sẽ dẫn đến tai biến mạch máu não… Đây đều là những biến chứng tim mạch nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Biến chứng nguy hiểm, diễn tiến âm thầm
Ở người bệnh đái tháo đường có biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim cấp, thiếu máu cơ tim kéo dài khiến tế bào cơ tim suy yếu. Từ đó, tim không còn đảm bảo chức năng bơm máu đi nuôi cơ thể. Người bệnh bị suy tim sẽ giảm khả năng hoạt động, giảm chất lượng cuộc sống.
Hiện có khoảng 2/3 số trường hợp tử vong ở người bệnh đái tháo đường là do bệnh tim mạch, trong đó 40% là do bệnh động mạch vành, 15% do các bệnh tim mạch khác (chủ yếu là suy tim) và khoảng 10% do đột quỵ.
Nguy hiểm hơn, ở người bệnh đái tháo đường, triệu chứng của các bệnh tim mạch thường không rõ rệt và dễ bị bỏ qua. Nhiều trường hợp người bệnh đái tháo đường nhập viện điều trị các biến chứng tim mạch khi đã ở giai đoạn nặng, gây khó khăn trong việc điều trị.
“Đặc biệt, người bị suy tim nặng nếu không điều trị kịp thời sẽ đứng trước nguy cơ tử vong cao do rối loạn nhịp tim, dẫn đến đột tử”, BS. Nguyễn Xuân Vinh nhấn mạnh.
Về mức độ nguy hiểm của suy thận ở người bệnh đái tháo đường, BS. Lê Hoàng Bảo cho biết, tình trạng suy thận diễn tiến nặng nhất là giai đoạn thận ngưng làm việc hoàn toàn, khi đó nếu muốn sống sót, người bệnh phải ghép thận hoặc chạy thận nhân tạo định kỳ. Ở giai đoạn này, chi phí điều trị rất cao, đồng thời ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Để phòng ngừa biến chứng suy tim, suy thận hiệu quả
Theo các bác sĩ, biến chứng suy tim, suy thận ở người đái tháo đường dù nặng hay nhẹ đều là những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe của người bệnh.
Để tránh các biến chứng này, người bệnh cần nắm vững các phương pháp phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả. Trong đó việc duy trì lối sống lành mạnh là biện pháp ưu tiên hàng đầu. Nên sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, uống đủ nước, theo dõi đường huyết và huyết áp, đồng thời kiểm tra định kỳ chức năng tim và thận. Việc giữ cân nặng hợp lý kết hợp với chế độ tập luyện thể thao vừa sức cũng là những điều người bệnh đái tháo đường nên thực hiện.
Để có thể phát hiện sớm các biến chứng, người bệnh cần khám bệnh định kỳ để được làm các xét nghiệm cần thiết. Ngoài ra, người bệnh cũng cần nắm rõ các triệu chứng, đặc biệt là các triệu chứng sớm của bệnh để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Nguồn: chch.vn